Culture Shock from my perspective

Chào mọi người,

Với bất cứ ai, việc bắt đầu một cuộc sống mới ở môi trường mới không bao giờ đơn giản. Điều này càng đúng với các bạn du học sinh lần đầu xa nhà để học tập và sinh sống tại Vương quốc Anh. Với các anh chị học Master, PhD hay các bạn đã học tập tại Anh, việc thích nghi với cuộc sống mới ở Guildford, Surrey có thể dễ dàng hơn song những khó khăn, bỡ ngỡ vẫn khó tránh khỏi. Đặc biệt, những thách thức phải vượt qua có thể không xuất hiện ngay những ngày đầu, mà có thể xảy đến những lúc bất ngờ khi ta những tưởng đã quen với cuộc sống và con người nơi này. Những khó khăn ấy thường được nhắc đến với cụm từ “culture shock” – một khái niệm các bạn chuẩn bị sang du học hẳn đã nghe nhiều. Trong trang blog này, mình sẽ chia sẻ về “culture shock” từ điểm nhìn của cá nhân mình.

Dù mới du học chỉ hơn 1 năm rưỡi nhưng bản thân mình cũng đã phần nào thật sự cảm nhận ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nó. Shock văn hóa liên quan đến nhiều phương diện trong cuộc sống thường ngày cũng như việc học. Đó là những khác biệt, thậm chí mang tính xung đột về lối sống, cách nghĩ, cách ăn mặc, hành vi, thức ăn … Shock văn hóa thường bao gồm bốn giai đoạn: honey moon, anxiety, adjustment và acceptance.

Ở giai đoạn đầu tiên, các bạn vừa đến Anh, đến Surrey, xung quanh có bao điều mới mẻ, lí thú để khám phá như những mối quan hệ mới, những sự kiện, những hoạt động mới. Thông thường, các bạn sẽ luôn thấy hứng khởi và muốn khám phá những điều mới mẻ đó. Mình đã thật sự rất vui khi hòa mình vào các hoạt động của Hội người Việt, của International Café và các hoạt động xã hội khác của trường.

Đến giai đoạn hai, khi những điều mới tại Guildford đã trở thành điều quen thuộc, các bạn sẽ dần cảm thấy một chút nhàm chán. Với những ai vốn ít bạn bè, ít giao thiệp, đây là lúc cảm giác cô đơn xâm lấn. Các bạn bắt đầu suy nghĩ mông lung nhiều hơn, bắt đầu nhớ về những điều tuyệt vời khi ở bên gia đình, bè bạn lúc trước. Đây cũng là giai đoạn căn bệnh phổ biến “homesickness” biểu hiện triệu chứng rõ ràng hơn. Điều nghịch lí là, dẫu đã gặp và kết bạn với những nguời tốt từ giai đoạn đầu, nhiều bạn vẫn cảm thấy trống trải, bắt đầu thu mình lại, hoặc là (ngoài giờ học) chủ yếu chỉ ở nhà chơi game, xem phim, nghe nhạc, lướt web và ngủ, hoặc là liên lạc với gia đình mọi lúc có thể. Mình đã từng nhốt mình trong phòng riêng suốt ba ngày liên tục chỉ để xem phim, không liên lạc với bất cứ ai, không ý thức về thời gian. Việc ấy chỉ chấm dứt khi mình nhận một cuộc gọi từ mẹ, rồi giật mình “Mình đang làm cái gì vầy trời?”. Ngẫm lại, mình vẫn còn hơi sợ, mình đã từng sống như thế ư??? Mình nhận ra nguyên nhân chính của “cơn mộng mị” ấy là sự thụ động, “chây ỳ” của bản thân. Đó là kì nghỉ Phục Sinh, thay vì ở trong phòng một mình, lẽ ra mình nên bước ra ngoài, gặp gỡ bạn bè và đi du lịch chẳng hạn.

Tuy nhiên, một khi đã vượt qua giai đoạn thứ hai, khi các bạn đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống tại Anh và Guildford, các bạn sẽ tìm thấy niềm vui trở lại. Các bạn sẽ bắt đầu xem nơi đây là “nhà”. Mặt khác, sang đến giai đoạn cuối, khi các bạn trở về nước (sau thời gian dài sống tại Anh, ví dụ khi đã hoàn thành chương trình học), các bạn sẽ một lần nữa trải nghiệm “reverse culture shock”. Đó là thời gian các bạn xa rời những tiện nghi và điều tuyệt vời nước Anh mang đến và bắt đầu làm quen trở lại với những điều ta cho là “chân lí sống” trước đây. Đó cũng là lúc đối diện với những kì vọng (đôi khi vượt tầm của bạn) từ gia đình, bạn bè và mọi người ở quê nhà. Mình có một chút hiểu được điều này trong ba tháng hè trở về Việt Nam, gặp lại những người luôn khao khát được gặp khi còn ở Anh hay được ăn những món vẫn luôn thèm, những niềm vui những tưởng và thật sự có được khi trở lại Việt Nam không kéo dài quá lâu. Trở về với thực tại, đối mặt với những trách nhiệm với gia đình, mình có một chút lạc lõng và một chút thất vọng. Với các bạn và anh chị đã tốt nghiệp, “trách nhiệm” là áp lực tìm được việc làm tốt và đạt được “một thành tựu” sau những năm tháng du học xứ người.

Thời gian và mức độ ảnh hưởng của “culture shock” đối với mỗi cá nhân khác nhau. Nó vốn dĩ có hai mặt, tích cực lẫn tiêu cực. Phải chăng vì những tác động tiêu cực của nó mà các bạn e dè, không dám bắt đầu cuộc sống du học một mình? Thực tế là, không phải ai cũng có thể đối mặt và vượt qua những thách thức “culture shock” đem đến. Bản thân mình cũng không dám chắc có thể vượt qua nó vì mình vẫn chưa bước vào giai đoạn cuối (giai đoạn sau tốt nghiệp). Dẫu vậy, mình nghĩ rằng những trở ngại ấy là một phần của sự trưởng thành. Trong tương lai, mình sẽ phải đương đầu với những thách thức và áp lực lớn hơn. Vậy nên, mình đã, đang và sẽ đối diện với nó, học hỏi từ những sai lầm, tìm ra cơ hội tronng thách thức; từng bước hoàn thiện phát triển bản thân theo hướng tích cực hơn, tận dụng thời gian hiệu quả hơn. Thời gian 3-4 năm du học không dài cũng không ngắn, thay vì lo sợ ngại ngùng trước thách thức, mình chọn cách “enjoy” cuộc sống, sống có lí tưởng, ra ngoài nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Vì sau này nhìn lại, “người ta chỉ hối tiếc những điều chưa làm chứ không hối tiếc những gì đã làm”.

Mỗi bạn rồi sẽ có những phương thức khác nhau để vượt qua “Culture shock”, với mình đó là chọn cách “enjoy”. Hãy trải nghiệm và tự nhận ra những giá trị còn lại, những trải nghiệm quý giá từ cú shock này nhé.

Chúc các bạn một ngày vui.

11180615_10202871102577996_4994064675340618909_n

Figure 1: Tham gia các hoạt động ngoại khóa, “keep yourself busy” là cách hiệu quả để khắc phục “Culture Shock”